HỒNG TREO GIÓ - VỊ NGỌT NGÀO CỦA ĐÀ LẠT MÙA THU
HỒNG TREO GIÓ - VỊ NGỌT NGÀO CỦA ĐÀ LẠT MÙA THU
Mùa thu Đà Lạt đâu chỉ có dã quỳ hay cỏ hồng, cỏ tuyết. Vườn hồng giòn sai trái, khoe sắc vàng nơi phố núi sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị nhất.
Quý khách đi du lịch Đà Lạt đều ít nhất một lần tìm mua những trái hồng treo hấp dẫn này. Món đặc sản này được làm từ trái hồng tươi, tất cả hương vị của trái hồng đều được giữ nguyên vị dẻo dai và ngọt đượm. Du khách chỉ cần cắn một miếng sẽ cảm nhận được vị mật ngọt thanh và đậm tan trong miệng.
Để cho ra được những quả hồng treo ngon nhất, chất lượng đồng đều phải trải qua cả một quy trình không hề đơn giản.
Trước tiên là lựa chọn những quả hồng đã già, to, căng mọng từ trên cây xuống. Phải chọn những quả hồng già, chắc tay và không quá chín vì khi phơi hồng sẽ chín dần, vị ngọt tiết ra từ từ và hết hẳn vị chát. Khâu này quan trọng nhất là hái cả cuống để có thể treo được.
Tiếp nữa, những quả hồng này được treo thành từng dây nơi thoáng gió, cao ráo. Thông thường khu vực treo có thể được thực hiện trong nhà mái tôn hoặc nhà kính, đảm bảo thông thoáng, có ánh nắng mặt trời chiếu vào nhưng phái ngăn mưa, sương. Bên cạnh đó, để giữ được nhiệt độ nóng vừa phải giúp trái hồng khô theo hơi gió, nhà sấy phải luôn bật quạt, người làm phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ để điều chỉnh cho phù hợp.
Công đoạn phơi nắng và gió này kéo dài gần 25 ngày, hồng sẽ chín dần trong thời gian này. Sau từ 7-10 ngày, hồng đã tương đối quắt lại thì tiến hành massage cho từng quả hồng. Việc này giúp ruột hồng tiết thêm chất ngọt và chất ngọt phân bố đều hơn. Cứ cách 2-5 ngày massage một lần, cần nhẹ tay để tránh làm quả hồng bị vỡ. Sau hơn 3 tuần thành phẩm ta thu được là quả hồng đạt đươc độ khô, teo nhỏ, trong ruột đặc quánh mật ngọt.
Miếng mứt hồng gió ngon là mứt hồng còn nguyên cuống. Nhìn vào đó, người ta có thể tưởng tượng quả hồng khi còn tươi nó tròn mướt thế nào. Khi cắt ra, trong ruột có lớp mật ngọt, gần như toàn bộ vị thơm của quả hồng tụ lại ở đây. Hồng gió thường được dùng khi thưởng trà. Để bảo quản lâu có thể bỏ giữ trong ngăn đá của tủ lạnh và có thể ăn ngay sau khi lấy ra khỏi tủ vì mứt hồng gió không bị đông đá.
Ở Đà Lạt, tại thung lũng Vàng, Khe Sanh, khu vực ngoại ô như Trại Mát, Cầu Đất tập trung đông với khoảng 300 cơ sở hồng gió. Ở đây có những thung lũng trồng hồng. Hoặc Bạn có thể tới tham quan những khu vườn hồng ở gần khu vực Dinh III Bảo Đại nằm trên đường Triệu Việt Vương, hay chạy xe khoảng 5 km theo hướng đông - nam tới đèo Mimosa. Những khu vườn hồng với ánh vàng bao trùm cả một vùng sẽ cho bạn cảm giác ngất ngây đến khó quên. Bạn có thể chụp hình lưu niệm, thưởng thức tại chỗ và mua những hộp hồng treo về làm quà cho người thân.
Mùa thu đến thành phố Đà Lạt, lãng đãng bước chân dạo quanh chợ, cái cảm giác gió se lạnh phảng phất trên vai, dư vị của cơn mưa ngọt lạnh, nhấm nháp miếng hồng dẻo treo để cảm nhận vị ngọt ngào của Đà Lạt mùa thu.